Người chiến sỹ quân y Nguyễn Kim Hùng – “Người thợ giỏi thì không sợ thất nghiệp”
Nguyễn Kim Hùng là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa 2 ( 2013 – 2015). Hiện nay, anh đang công tác tại bệnh viện Quân đoàn 4 với cấp hàm Trung úy. Hãy cùng nghe anh chia sẻ về quá trình học tập tại trường.
Chào Kim Hùng, công việc của bạn ở bệnh viện Quân đoàn 4 vẫn tốt chứ?
Kim Hùng: Cảm ơn bạn, mình vẫn là một chiến sỹ trên mặt trận y tế. Hiện nay, mình đang quản lý mảng thiết bị của phòng Dược – Trang thiết bị y tế của bệnh viện, công việc cũng khá nhiều.
Vậy là sau khi ra trường, bạn được làm việc đúng chuyên ngành của mình?
Kim Hùng: Cơ hội đi học của mình cũng rất tình cờ. Trước đây mình đã tốt nghiệp ngành Dược, nhưng khi về công tác tại bệnh viện, nhận thấy phần kỹ thuật trang thiết bị y tế của bệnh viện còn thiếu nên bệnh viện có ý định cử người đi học. Rồi khi có thông báo của trường BVCMET có tổ chức tuyển sinh nên mình làm hồ sơ đăng ký và được nhận vào học. Quả thực, khi vào học, mình là một trong những sinh viên lớn tuổi nhất nên ban đầu cũng hơi ngại. Nhưng cũng rất vui, được tiếp tục là sinh viên và hòa đồng với các bạn trẻ, mình cũng thấy tự tin hơn. Trong quá trình học tập, bệnh viện cũng tạo điều kiện hỗ trợ mình rất nhiều. Và sau khi ra trường, mình quay lại phục vụ cho bệnh viên và phụ trách mảng trang thiết bị y tế của cơ quan.
Bạn nhận thấy chương trình học ở trường thế nào? Có đáp ứng được yêu cầu công việc hiện tại không?
Kim Hùng: Với tính chất là một trường cao đẳng nghề, lại là trường đặc thù chuyên ngành kỹ thuật thiết bị y tế nên trường đã trang bị cho mình một nền kiến thức cơ bản. Chương trình học thiên về thực hành nhiều hơn nên sinh viên dành phần lớn thời gian ở các nhà xưởng, các phòng thí nghiệm để tìm hiểu từng chiếc máy cấu tạo thế nào? Vận hành ra sao? Sửa chữa, bảo dưỡng thế nào?. So với nhiều đơn vị khác thì trường BVCMET có hệ thống dụng cụ, máy móc phục vụ việc dạy và học rất tốt, kiến thức đào tạo vừa chuyên sâu vừa tổng quát, sinh viên được học trên máy thật chứ không chỉ là mô hình, ví dụ như máy chụp CT- một thiết bị rất mắc tiền, sinh viên được tháo máy ra để xem cấu tạo các bộ phận rồi cơ chế hoạt động của nó thế nào,…Ngoài ra còn một số máy như máy điện tim, máy nội sao, máy chụp X-Quang…Đó là điều mà không phải sinh viên trường nghề nào cũng có được.
Còn thầy cô dạy ở trường thì sao?
Kim Hùng: Đây là một trong những điều mình tâm đắc nhất ở trường. Các thầy ở đây tuy còn trẻ nhưng chuyên môn rất giỏi và rất có tâm. Có nhiều hôm thầy sẵn sàng ở lại ngoài giờ đến tận khuya để cùng sinh viên tìm hiểu về máy, trao đổi kỹ thuật. Tuy đôi khi trong kì thi, các thầy có khó khăn, nghiêm khắc nhưng giờ đi làm rồi mình mới thấy điều đó là vô cùng có ích và chỉ những người tâm huyết thì họ mới như vậy. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc, thầy – trò rất gần gũi, thân thiện.
Trường Cao đẳng kỹ thuật nghề thiết bị y tế Bình Dương có đặc thù về ngành nghề đào tạo, vậy theo anh cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên sau khi ra trường như thế nào?
Kim Hùng: Với khóa học của Hùng thì hiện tại các bạn đã có việc làm hết, người thì làm trong bệnh viện, người làm kỹ thuật ở các công ty thiết bị y tế, người thì đứng ra mở công ty, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế. ..Nói chung là ai cũng có việc làm tốt và hỗ trợ lẫn nhau. Muốn có việc làm tốt thì ngoài yếu tố may mắn, mỗi người cũng phải nỗ lực cố gắng. Nếu mình có kiến thức chuẩn, tay nghề vững vàng thì cơ hội việc làm là rất rộng mở bởi hiện nay ngành kỹ thuật thiết bị y tế đang thiếu nhiều nên các bạn sinh viên cứ yên tâm rằng Việt Nam mình đang “thừa thầy thiếu thợ”, mình là một người thợ giỏi thì không sợ gì thất nghiệp.
Rất cảm ơn Anh Kim Hùng về cuộc trò chuyện này và mong anh ngày càng thành công trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống!