Tính đến hết quý III/2015, cả nước có đến 1,1 triệu người thất nghiệp. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở cao đẳng, đại học chiếm đến 25%, cao nhất từ trước đến nay và vẫn có dấu hiệu tăng. Một thống kê chỉ ra rằng, học vị càng cao càng dễ thất nghiệp. Lý do là với tấm bằng tú tài trong tay, người trẻ luôn mong muốn tìm được “việc nhẹ lượng cao”. Trên thực tế, cuộc sống lại không màu hồng như vậy.
Thay vì chọn con đường bằng cấp, nhiều bạn trẻ tìm cho mình những hướng đi riêng. Thậm chí nhiều kỹ sư, cử nhân cũng chấp nhận từ bỏ tấm bằng để theo đuổi một công việc mới hấp dẫn hơn.
Học đại học hay học nghề?
Phía nhà tuyển dụng, các công ty lớn thường đề cao kinh nghiệm làm việc. Nhiều nơi cho rằng các sinh viên vừa tốt nghiệp chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho công việc họ ứng tuyển mặc dù được học đúng chuyên ngành. Chưa kể, trong nền kinh tế đang thắt chặt, nhiều công ty tái cơ cấu, cắt giảm thì nhu cầu tuyển dụng lại càng ít.
Chính vì thế, việc định hướng ngay từ đầu là rất cần thiết. Từ ngày còn học phổ thông, các bạn trẻ nên tự tìm ra cho mình nghề nghiệp sau này. Những tiết học về hướng nghiệp càng phải được chú trọng hơn nữa để kích thích các em suy nghĩ và nhìn nhận lại bản thân một cách đúng đắn. Với việc trả lời được các câu hỏi như: Mình yêu thích/ đam mê cái gì? Khả năng mình có đáp ứng được không? Điều kiện để theo đuổi đam mê ấy như thế nào?…Các em sẽ dần hình thành nên nghề nghiệp cụ thể mà bản thân sẽ chọn lựa. Đừng để khi mùa tuyển sinh tới, đứng trước “ma trận” nghề nghiệp mà các trường đại học, cao đẳng đưa ra, các em mới bắt đầu tìm hiểu nhu cầu của bản thân. Lúc đó e rằng đã muộn.
Thêm vào đó, các bậc phụ huynh cũng cần lắng nghe con em mình nhiều hơn. Đừng vì định hướng của gia đình mà bắt các em từ bỏ sở thích, đam mê của mình chỉ vì muốn vừa long bố mẹ. Phải chăng, ý kiến của phụ huynh chỉ mang tính chất tham khảo chứ đừng bắt các em răm rắp làm theo. Đừng để mấy năm đại học của các em trở thành chuỗi ngày tẻ nhạt vì bản thân các em không tìm được hứng thú trong mỗi giờ lên lớp.
Ngoài ra, công tác truyền thông, định hướng của xã hội cũng rất quan trọng, đặc biệt là vai trò của các nhân viên tư vấn, các nhà tuyển sinh. Chúng ta hãy lắng nghe các em, hãy tìm hiểu sở thích, khả năng của các em rồi hãy đưa ra những lời tư vấn hợp lý nhất.Đừng cố hướng các em vào các trường đại học danh tiếng với những chương trình học hấp dẫn mà hãy nói cho các em biết đằng sau cánh cổng đại học không phải là con đường trải đầy hoa hồng, vẫn còn những con đường khác ngắn hơn, miễn sao phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người.
Mục đích cuối cùng của việc chọn lựa học đại học hay các trường nghề cũng là muốn tìm kiếm một công việc ổn định và phù hợp với năng lực của bản thân. Vì thế, mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần giúp các em nhận thức được rằng con người chỉ thành công khi chúng ta có đam mê và chúng ta nỗ lực để thực hiện đam mê đó.