VÌ SAO NÊN CHỌN HỌC CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP LÀ BƯỚC ĐI NỀN TẢNG VÀO ĐỜI?
Có rất nhiều con đường để vào đời, thế nhưng khi hết cấp III hầu như các bạn trẻ đều trăn trở với câu hỏi "Làm sao để vào được đại học". Rất nhiều người trong số đó vẫn biết rằng còn rất nhiều con đường khác để chuẩn bị cho tương lai, nhưng rồi chẳng ai dám tự tin đi những con đường khác, tất cả đều đổ dồn vào một con đường duy nhất: “học để vào đại học” và cuối cùng cảm thấy mệt mỏi vì phải gồng mình chạy theo người khác trong khi điều kiện và năng lực của mình không đáp ứng được.
Mỗi năm cả nước có hàng triệu thí sinh tham dự các kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, thế nhưng con số đậu chỉ chiếm khoảng 1/3, vậy thì số thí sinh còn lại sẽ ra sao? Thi đỗ vào đại học không phải là con đường duy nhất của một học sinh. Nếu không đủ năng lực, bạn có thể học trung cấp hay cao đẳng, hoặc học các trường nghề. Đây cũng là những nơi đào tạo nhân lực cho đất nước. Thực tế cho thấy, có biết bao người đã tạo dựng sự nghiệp mà không cần đến tấm bằng ĐH. Không phải cứ học giỏi, bằng cấp cao là sẽ thành công trong công việc, sự nghiệp.
CÁC BẠN HÃY NHÌN NHẬN THỰC TẾ HIỆN NAY NHƯ SAU:
Về lao động có trình độ đại học không có việc làm, theo Bộ trưởng Nhạ nếu tính số lượng trong độ tuổi lao động (15-60) có tới khoảng 200.000 lao động có trình độ đại học không có việc làm. Còn theo Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, những năm gần đây tỉ lệ SV tốt nghiệp ĐH ra trường không có việc làm tăng mạnh. Trong quý III 2017 số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237 nghìn người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51%, so với quý trước là 3,63%.
Cơ hội không nhất thiết là mình phải đạt được những thứ giống người khác đạt được. Không vì người ta đỗ đại học, mình cũng phải đỗ đại học mới gọi là có cơ hội. Phần lớn do quan niệm của xã hội, áp lực bởi kỳ vọng của cha mẹ và sự hướng nghiệp chưa đầy đủ nên chúng ta hoang mang khi phải lập nghiệp trên con đường không mang tên đại học trong khi thực sự vẫn còn rất nhiều con đường cho bạn.
Bạn hoàn toàn có thể thấy ngoài thực tế rằng có rất nhiều người đậu ĐH, có bằng cấp, học lực tốt nhưng vẫn khó xin việc, khi đi làm thì lại rất chật vật với công việc và mức thu nhập không cao.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thấy hàng trăm, hàng ngàn tỉ phú, triệu phú, những vị giám đốc không có bằng ĐH, thậm chí là trình độ học vấn rất thấp trên khắp thế giới cũng như ngay ở Việt Nam nhưng đã thành công. ở Việt Nam, có thể điểm mặt 5 tỷ phú không học đại học là ông Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) với tài sản hơn 7.000 tỷ đồng cổ phiếu, ông Lê Phước Vũ (chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen), ông Dương Ngọc Minh (chủ tịch Thủy sản Hùng Vương, bà Chu Thị Bình - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai (top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012)…
ĐH chỉ là một trong rất nhiều con đường đi đến đích thành công chứ không phải là duy nhất. Trượt ĐH hay học hành kém cỏi không có nghĩa là bạn cũng kém cỏi. Mỗi một con người có một tố chất riêng và một trong những tố chất đó là có phù hợp với con đường học hành hay không? Người nào có tố chất dễ thành công trong học hành, họ có thể trở thành nhà khoa bảng, nhiều bằng cấp và chọn con đường vào đại học; bạn không có tố chất học hành, bạn có thể làm cán bộ kỹ thuật, chuyên viên, … Không thành danh cũng thành nhân, đừng phân biệt sang hèn cao thấp mà chọn nghề; nên tùy nghi theo hoàn cảnh thực tế, khả năng thật sự và sở thích của mình để vững bước trên con đường đã chọn.
Hãy suy nghĩ thật kỹ về con đường mà mình sẽ chọn lựa khi chuẩn bị vào đời. Có cần phải vào Đại học bằng mọi giá? Lựa chọn hướng đi đúng có ý nghĩa quyết định kết quả phấn đấu của cả cuộc đời sau này. Việc lựa chọn con đường vào Đại học hay các trường trung cấp, dạy nghề… là tùy thuộc vào trình độ học lực, năng khiếu bản thân cũng như hoàn cảnh kinh tế của gia đình.
Tóm lại, Đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời. Các bạn đừng vì áp lực, bằng mọi cách, với mọi giá để có mặt ở một trường Đại học nào đó bất chấp nó có phù hợp với tính cách, sở trường và năng lực thật sự của mình hay không (nhất là đối với các bạn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và học lực ở mức vừa phải). Vì vậy, hãy xác định cho mình một hướng đi đúng đắn và phù hợp, bình tâm suy xét, lựa chọn cơ hội phát triển cho mình với các kỹ năng mà thị trường lao động cần để sẵn sàng hòa nhập vào xã hội bên ngoài.
TẠI SAO NÊN LỰA CHỌN CAO ĐẰNG THỰC HÀNH, TCCN HOẶC NGHỀ ?
Hiện nay, không những HS vừa học xong chương trình cấp 3 mà không ít các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng và nhiều ngành được cho là “hot” đã và đang rơi vào tình trạng thất nghiệp nên bắt buộc phải học thêm một nghề để kiếm việc. Tình hình hiện nay tấm bằng đại học cũng mất dần giá trị, nó không thể đảm bảo cho bạn một công việc như ý sau khi ra trường. Chính vì vậy, hình thức đào tạo nghề ở các trường có uy tín, có bằng cấp được chứng nhận đang là xu hướng lựa chọn của nhiều bạn trẻ, đặc biệt các bạn học sinh trung học phổ thông và sinh viên đang theo học ở các ngành khác. Học cao đẳng thực hành, TCCN hoặc nghề có những ưu điểm sau:
- Phù hợp với trình độ và điều kiện của đa số học sinh hiện nay.
- Sau khi tốt nghiệp học sinh dễ có cơ hội tìm việc, nhất là khi mà chúng ta đang hội nhập sâu vào AFTA và WTO.
- Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang rất thiếu lao động có tay nghề.
- Kinh phí cho đào tạo ít tốn kém hơn phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam
- Thời gian đào tạo ngắn từ 1năm, 2 năm hay 3 năm. Nếu có nhu cầu học tập lên cao sẽ được đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và đại học.
- Cơ hội đi hợp tác lao động nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaixia,…là rất lớn.
Nguồn: Tổng hợp